Nghị luận xã hội || Những triết lí nhân sinh

Ngày 26/11/2022 09:52:44, lượt xem: 2149

Tại sao đèn tắt?
Vì tôi lấy áo ngăn gió che đèn.
Tại sao hoa úa tàn?
Vì tôi ôm hoa mà lòng áy náy, băn khoăn.
Tại sao dòng suối cạn khô?
Vì tôi đắp đập lấy nước mình dùng.
Tại sao đàn đứt dây?
Vì tôi ép đàn ngân cung điệu ngoài sức dây tơ.

ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 9 CẤP TỈNH | SỞ GD&ĐT GIA LAI


----------------------------

Erich Fromm đã từng nói: “Nếu một người chỉ yêu một người khác và thờ ơ với tất cả những người còn lại, tình yêu của anh ta không phải là tình yêu mà là sự gắn bó cộng sinh, hay là sự duy ngã độc tôn được khuếch đại” và có lẽ sự vị kỷ ấy chính là lí do giết chết những mối quan hệ mà họ đang có. Nó khiến mọi thứ trong vòng tay dần trở nên tàn phai, khô héo, vụn vỡ và lìa xa,... Giống như Tagore đã từng viết trong bài thơ số 52 của mình: “Tại sao đàn đứt dây? Vì tôi ép đàn ngân cung điệu ngoài sức dây tơ.”

Bài thơ đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc về những triết lí nhân sinh ở đời.
Hành động lấy áo ngăn gió che đèn, ôm hoa mà lòng áy náy, băn khoăn, đắp đập lấy nước mình dùng, ép đàn ngân cung điệu ngoài sức dây tơ: biểu thị cho sự bảo bọc thái quá, tình yêu vụ lợi, sự áp đặt theo ý muốn chủ quan… Và cứ như vậy đèn đã tắt, hoa thì cũng úa tàn, dòng suối cạn khô, đàn đứt dây… tất cả đó biểu thị cho sự tàn lụi, khô héo, tan vỡ, không mang lại kết quả mong muốn. Mượn cách nói giàu hình ảnh, hàm súc mà chính xác, R.Tagore muốn gửi gắm bài học có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc: Tình yêu thương xuất phát từ sự vị kỉ, áp đặt, muốn biến đối tượng của tình yêu thành vật sở hữu của riêng mình sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho bản thân và những người, những thứ mình yêu thương, thậm chí khiến nó vuột lìa khỏi tầm tay.

Khái niệm của chủ nghĩa vị kỷ: “Tư tưởng chỉ biết lợi ích của cá nhân mình, đặt trên lợi ích của người khác, của xã hội, trái với Chủ nghĩa vị tha.” – Trích từ điển Tiếng Việt. Từ góc độ cá nhân, mỗi chúng ta đều có thể hiểu và trải nghiệm được tình yêu thương hay lòng tốt thế gian. Đó là sự yêu thích, quan tâm hướng tới một người hay một đối tượng nhất định như gia đình, cha mẹ, con cái, tình yêu nam nữ, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, tới những phạm vi rộng hơn như tình yêu đất nước, dân tộc, tình yêu thương loài vật, thiên nhiên… Tuy nhiên nếu tình yêu thương ấy là tình yêu vị kỉ thì nó chỉ xuất phát từ bản ngã, lúc nào cũng nghĩ đến bản thân và mong dành những lợi ích cho riêng mình. Đây là cách chúng ta yêu một người song lại muốn biến người đó thành sở hữu của mình. Chúng ta kiểm soát đối tượng mình yêu, đặt điều kiện cho đối tượng đó phải tuân theo ý thích hay phục vụ lợi ích của mình.


ĐĂNG KÍ NGAY KHOÁ HỌC VĂN VIP 2 - 2K9 TẠI ĐÂY


Sự bao dung có thể biến một người tầm thường trở nên vĩ đại. Ngược lại, sự vị kỷ có thể hủy hoại một con người, biến một người bình thường trở nên thấp bé, cô đơn bị mọi người xa lánh. Người bao dung luôn biết nghĩ đến người khác, sẵn sàng tha thứ cho người khác khi phạm sai lầm. Người sống vị kỷ luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, họ luôn lấy lợi ích cá nhân làm thước đo mọi giá trị. Họ không dễ tha thứ nếu ai đó làm tổn thương mình. Trong mỗi người đều tồn tại lòng vị kỷ, nhưng quan trọng là ý chí có đủ mạnh để chế ngự điều đó hay không. Nếu bạn nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, luôn ép người khác làm theo ý của mình, không thích chia sẻ hay giúp đỡ người khác, đó chính là những biểu hiện của sự ích kỷ. Một người có lối sống ích kỷ thì đối với họ, giá trị tinh thần, chuẩn mực đạo đức, không có ý nghĩa gì. Họ không xem trọng trách nhiệm của bản thân đối với mọi người xung quanh và xã hội, thờ ơ trước niềm vui cũng như nỗi buồn của người khác.

Đức Phật dạy rằng loài người, loài vật hay các loài hữu tình đều có tình yêu thương. Đây là tính căn bản của mọi hữu tình. Tình yêu thương hiện diện ở khắp nơi, thậm chí những người xấu xa hay những động vật hung ác nhất thế gian này cũng có sẵn tình thương tự nhiên. Có bao giờ, bạn dừng lại để suy nghĩ trước khi nói với ai đó rằng bạn thương họ, hoặc bạn yêu họ hay chưa? Nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để có một tình yêu thương đúng nghĩa thay vì chỉ nuôi dưỡng tình yêu ấy bằng cảm xúc. Học yêu những người xung quanh đúng “chất” của một trái tim yêu thương, để cả đời trôi đi không phải nhìn lại và tự hỏi “tình yêu là gì?”

Mạc Ngôn, một nhà văn lớn của Trung Quốc đã phải thốt lên: “Tôi cảm thấy nhân loại đang đối mặt với nguy hiểm lớn nhất, chính là sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và tham vọng ngày càng bùng phát của nhân loại. Với dục vọng bị kích thích của con người, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã đi chệch khỏi quỹ đạo thông thường là để phục vụ nhu cầu sức khỏe của con người, thay vào đó là điên cuồng phát triển dưới sự dẫn động của lợi nhuận để đáp ứng – kỳ thực là nhu cầu bệnh hoạn của một số ít người giàu có.” Tình thương mang trong mình tính “thiện”, nếu bạn thương, sẽ không bao giờ bạn muốn làm tổn hại đến người được bạn dành tình yêu thương. Trở lại với bài thơ của tác giả ta thấy rằng cần phải phê phán sự vị kỉ ở mỗi người. Yêu thương không có nghĩa là bảo bọc thái quá, giữ mọi thứ làm của riêng, áp đặt mọi thứ theo suy nghĩ, tình cảm chủ quan. Đó không phải là yêu thương mà chỉ là sự vị kỉ. Đôi khi chúng ta cần biết buông bỏ, sống cho đi, tôn trọng sự khác biệt sẽ khiến cho mọi thứ quanh ta trở nên tươi đẹp hơn.

Tình yêu thương, vị tha chính là liều thuốc hiệu nghiệm nhất tiêu diệt con rắn độc vị kỷ kia. Sau mỗi lần bạn ích kỷ, hãy dành thời gian suy nghĩ lại chín chắn, kỹ càng để rút kinh nghiệm. Hãy học cách lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, yêu thương chân thành, cho đi những điều tốt đẹp, tôn trọng sự khác biệt, không ích kỉ, vụ lợi...
Yêu thương, là không có vị kỷ và hận thù.

 

ĐĂNG KÝ NGAY:

- KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG: TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC VĂN VIP 2 - 2K9: TẠI ĐÂY

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan